Bạn biết gì về Đạm thực vật?
Chất đạm là gì?
Là thành phần chủ yếu cấu tạo nên tế bào và màng tế bào, đạm (protein) có vai trò điều tiết các hoạt động sống diễn ra trong cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng. Những yếu tố cấu thành nên cơ thể như da, cơ, xương và cơ quan nội tạng phần lớn được tạo nên từ protein. Thêm vào đó, protein còn tạo ra nhiều hoóc môn và enzyme giúp điều hòa các quá trình và phản ứng hóa học.
Theo Khuyến nghị nhu cầu dinh dưỡng của Bộ Y tế dành cho người Việt Nam, mỗi ngày trung bình một người trưởng thành cần cung cấp 1,25gr chất đạm/1kg thể trọng. Sự thiếu hụt chất đạm sẽ khiến tóc trở nên giòn, dễ gãy và da xuất hiện các nếp nhăn, cơ thể mệt mỏi, suy dinh dưỡng.
Đạm thực vật – Nguồn dưỡng chất có lợi cho sức khỏe
Qua bữa ăn hàng ngày, chúng ta đang hấp thụ protein từ hai nguồn chính: protein động vật và protein thực vật. Protein động vật có nhiều nhất trong thịt, các loại hải sản, cá nước ngọt, trứng và sữa. Protein động vật thường giàu chất béo và cholesterol, khi bị hấp thụ quá nhiều, cơ thể dễ gặp các chứng bệnh về tim mạch, béo phì và hàm lượng cholesterol trong máu cao quá mức cho phép.
Trong khi đó, protein thực vật với hàm lượng chất béo thấp, ít cholesterol được coi là nguồn dưỡng chất tuyệt vời cho tim mạch. Các loại thực vật đầu bảng về protein là đậu xanh, đậu phụ, đậu nành, vừng, hạt hướng dương, rau xanh. Trong khoa học, protein thực vật được gọi là protein không đầy đủ, bởi nó thiếu một hoặc nhiều axit amin thiết yếu. Tuy nhiên, lượng axit amin này có thể bổ sung thêm bằng cách kết hợp các loại thực vật với nhau.
Một chế độ ăn khỏe mạnh đòi hỏi chúng ta đảm bảo hàm lượng protein thiết yếu mà không có thêm chất béo và cholesterol. Bởi vậy, cân bằng protein thực vật và động vật đang được khuyến khích cho một chế độ ăn khỏe mạnh.
Gợi ý bổ sung đạm thực vật
Quỹ thời gian eo hẹp khiến các gia đình không có đủ thời gian ăn uống 3 bữa chất lượng. Đồng thời, để cân đo đong đếm các dưỡng chất trong thực phẩm hàng ngày là công việc khá khó. Bên cạnh đó, những nỗi lo như hiện tượng gia súc, gia cầm nuôi tăng trọng; rau củ phun thuốc trừ sâu; đất đai và nguồn thức ăn nuôi trồng kém màu mỡ… khiến nguồn protein trong thực phẩm hàng ngày bị ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, nhiều gia đình đã chọn thực phẩm bổ sung thực vật để bù đắp hàm lượng đạm không cung cấp đủ qua bữa ăn. Nguồn đạm trong các sản phẩm này được chiết xuất cô đặc từ những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như đậu nành, lúa mì, đậu Hà Lan, giúp bổ sung đạm thực vật cho người có chế độ ăn ít đạm và người có mỡ trong máu cao. Lưu ý, bạn nên chọn dùng các sản phẩm có nhãn hiệu uy tín, với nguyên liệu từ các trang trại hữu cơ an toàn. Bên cạnh việc bảo đảm hàm lượng đạm mỗi ngày qua thực phẩm và thực phẩm bổ sung, bạn cũng cần chú trọng cung cấp đầy đủ nước, vitamin, khoáng chất, chất bột đường và chất béo cho cơ thể, đồng thời duy trì tinh thần lạc quan và tập thể dục đều đặn để duy trì một sức khỏe tối ưu.