Dinh dưỡng nào nâng cao tầm vóc cho con trẻ?

Dinh dưỡng nào nâng cao tầm vóc cho con trẻ?

Nhiều người thường nghĩ rằng chiều cao phụ thuộc phần lớn vào yếu tố di truyền. Tuy nhiên trong thực tế và một số công trình nghiên cứu đã cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, mạnh nhất là yếu tố dinh dưỡng (32%), sau đó là yếu tố di truyền (23%), thể dục thể thao (20%) và môi trường, ánh nắng, tình hình bệnh tật, giấc ngủ…

Mời các bạn cùng tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng trưởng chiều cao, từ đó đề ra chế độ nuôi dưỡng phù hợp nhất giúp con bạn đạt được chiều cao vượt trội khi trưởng thành.

(Theo bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO

Có ba giai đoạn cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và có tính chất quyết định đối với chiều cao của một người: Giai đoạn trong bào thai: Trong 9 tháng mang thai, người mẹ cần tăng khoảng 10-12kg để bé sơ sinh đạt được chiều cao 50cm và cân nặng khoảng 3kg lúc chào đời. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh cao 49cm (thiếu 1cm) khi trưởng thành có thể thấp đi 3-5cm chiều cao. Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi: * Năm thứ nhất: tăng khoảng 25cm. * Hai năm kế tiếp: mỗi năm tăng khoảng 10cm Lưu ý: Trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này cũng sẽ bị thấp lùn sau này Giai đoạn dậy thì và tiền dậy thì: Trẻ gái từ 10 tuổi, trẻ trai từ 12 tuổi trở đi có thể có 1-2 năm tăng vọt về chiều cao từ 8 – 12cm/năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt và chơi thể thao thường xuyên. Sau dậy thì, cơ thể sẽ tăng chiều cao rất chậm, tổng cộng chiều cao của các năm sau không bằng 1 năm chiều cao tăng vọt của giai đoạn dậy thì. Sự tăng trưởng về chiều cao vẫn có thể được duy trì đến năm 25-30 tuổi. Cần phải đảm bảo dinh dưỡng suốt trong giai đoạn tuổi trẻ để phát huy tối đa cơ hội tăng chiều cao.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG GIÚP TĂNG TRƯỞNG CHIỀU CAO

Trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu để giúp cơ thể sống, hoạt động và không ngừng tăng trưởng. Ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày cần có thêm 2-3 bữa phụ, giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao mỗi tháng đúng chuẩn. Để nhận được đủ chất dinh dưỡng, cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, rau và trái cây) trong mỗi bữa ăn chính, ăn đa dạng thực phẩm với hơn 20-30 loại thực phẩm mỗi ngày. Can-xi: Cần cung cấp đủ can-xi theo nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Nhu cầu này thay đổi tùy lứa tuổi, ở khoảng 500-1000mg một ngày, vì vậy cần chú trọng lượng sữa mỗi ngày khoảng 500ml – 750ml. Thức ăn có nhiều can-xi là cua, ốc, tôm, tép, cá nguyên xương, đậu hũ… Chất đạm: Cung cấp đủ chất đạm và lysine (thịt, cá trứng, tôm, đậu hũ) từ 30-50g ở trẻ nhỏ và 60-90g ở trẻ lớn trong mỗi bữa ăn chính. Vitamin D giúp hấp thu can-xi tại ruột và tăng khả năng tái hấp thu can-xi tại thận. Hơn nữa, vitamin D giúp tổng hợp chất protein chuyên chở can-xi trong máu. Cơ thể nhận vitamin D một phần từ thức ăn (sữa, bơ, phomai, trứng, gan, tôm, dầu gan cá thu…) và tiền chất vitamin D nằm dưới da. Tiếp xúc ánh nắng trực tiếp sẽ giúp da tổng hợp vitamin D với thời gian khoảng 15- 20 phút mỗi ngày, cường độ ánh nắng nhẹ. Vitamin A đặc biệt cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Thức ăn nhiều Vitamin A là sữa, trứng, cá, gan, thịt… Các loại rau lá xanh đậm, củ quả màu vàng cam (bí đỏ, cà rốt, gấc, đu đủ, xoài chín…) chứa nhiều tiền chất vitamin A sẽ chuyển thành vitamin A trong cơ thể. Chế độ ăn của trẻ cần có chất béo để giúp hấp thu vitamin A. Chú ý bổ sung Vitamin A 100.000 UI mỗi 6 tháng dành cho trẻ em nguy cơ như suy dinh dưỡng, sau sởi, sau tiêu chảy nặng kéo dài… Sắt là nguyên liệu để tạo máu. Thiếu chất sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, gây chậm tăng trưởng… Thức ăn nhiều sắt là gan, huyết, trứng, thịt, cá, đậu đỗ, rau xanh, thực phẩm bổ sung sắt. Có thể tăng hấpthu sắt bằng vitamin C trong rau củ, trái cây trong bữa ăn. Tình trạng nhiễm giun sán gây ra thiếu máu do thiếu sắt là mộtnguyên nhân quan trọng ở nước ta, vì vậy trẻ em trên 2 tuổi (cũng như người lớn) nên tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm. Kẽm rất cần thiết cho nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể, đồng hóa protein, giúp phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Thức ăn nhiều kẽm là hàu, sò, gan, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành… I-ốt là nguyên liệu tạo nên nội tiết tố tuyến giáp, tác động lên hoạt động của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng. Sử dụng muối i-ốt hàng ngày trong ăn uống sẽ phòng ngừa được thiếu i-ốt.